Tìm kiếm
Anh chị ạ, trước khi chia sẻ thông tin về bệnh xương khớp cột sống, Bác sĩ Khánh xin kể một số câu chuyện liên quan để chúng ta hiểu tầm quan trọng của kiến thức sức khỏe thông thường.
Cách đây hơn một tuần có người quen liên hệ đưa bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân bị đau lưng rồi vào một phòng khám tư nào đó ở Quảng Ninh và được tiêm trực tiếp vào lưng. Sau tiêm xuất hiện tê buốt dọc từ mông xuống chân rồi không đi lại được, chân bên tổn thương ngày càng yếu. Sau thời gian chạy chữa mấy chỗ không cải thiện mới lên Hà Nội. Điều lạ lùng nhất (nhưng cũng không phải là quá bất ngờ với Bác sĩ) đó là việc bệnh nhân đã điều trị một thời gian dài ở vài phòng khám và cả ở các “thầy lang” nhưng khi đến khám, tất cả chỉ mới duy nhất có phim xquang lung, không có gì thêm nữa. Trong khi với bệnh lý cột sống, nếu không có phim chụp cộng hưởng từ (kết hợp với phim xquang) thì gần như chúng ta sẽ rất khó biết được bệnh nhân đang bị tổn thương gì, dù Bác sĩ có “siêu” đến đâu đi chăng nữa. Tuy vậy hiện nay, với nhiều địa chỉ chữa bệnh, bệnh nhân vẫn được điều trị, tiêm chọc, nắn bóp mà không cần phim ảnh chụp chiếu. Sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân, chưa nói đến việc bệnh sẽ không thể cải thiện nếu như việc bệnh nhân bị bệnh gì chúng ta còn chưa chẩn đoán ra. Chỉ có thể điều trị có hiệu quả khi chúng ta đã tìm ra chính xác bệnh, phải không anh chị?
Một lần khác, nam thanh niên thấy đau và cứng vai gáy nên vào một trung tâm nắn bóp “gia truyền” ở Lạng Sơn. Sau vài động tác mạnh & đột ngột, tứ chi của anh như bị điện giật, tê bì & yếu đi rất nhanh. Bệnh nhân được chuyển cấp cứu xuống Việt Đức, qua chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cấp tính chèn ép mạnh vào tuỷ & rễ thần kinh, đó chính là nguyên nhân gây yêu tứ chi. Bệnh nhân được phẫu thuật lấy thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh rồi tập phục hồi chức năng. May mắn cho anh, sau mấy tháng trời tập luyện, tay chân anh đã gần như trở lại vận động bình thường.
Trên đây là hai trong rất nhiều những “vấn đề” bác sĩ chứng kiến trong quá trình khám & điều trị.
Theo tổ chức y tế thế giới, cứ 4 người trên 40 tuổi sẽ có một người có vấn đề về xương khớp-cột sống. Và khi bước sang tuổi 50, con số đó là gần ½, còn trên 60 tuổi thì hầu hết chúng ta ai cũng ít nhiều gặp những vấn đề ở cơ quan vận động như thoái hoá gối, hoại tử chỏm xương đùi, sưng đau các khớp, đau lưng cứng cổ, loãng xương….
Với mong muốn phần nào đó hỗ trợ mọi người có những thông tin ban đầu-cơ bản nhất về nhóm bệnh lý “Cơ xương khớp-cột sống”, Bs Khánh xin được gửi đến anh chị một số lưu ý sau, rất mong mọi người dành 5 phút tìm hiểu nhé!
Bước vào tuổi trung niên & tuổi già khi ông bà, cha mẹ hay bản thân chúng ta thấy đau nhức các khớp, đau nhức toàn thân về đêm, sung đau các khớp… thì việc đầu tiên cần thực hiện đó là chúng ta cần liên hệ và khám tại các trung tâm chính thống chuyên về xương khớp-cột sống. Ở đó các Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám cẩn thận, chụp phim xquang, đo loãng xương, siêu âm, xét nghiệm máu, thậm chí chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ… Từ đó mới đưa ra chẩn đoán bệnh cụ thể và chính xác, rồi mới lên phác đồ điều trị-theo dõi.
Những vấn đề hiện nay đó chính là mọi người thường đi khám thầy lang, đi khám các phòng khám không chuyên khoa hoặc tự nghe ai đó mách bảo rồi tự mua thuốc về uống, đắp ngoài da, hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp. Hậu quả là khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân “tàn tạ” quá mức cho phép: lông tơ mọc khắp mặt do tác dụng phụ của thuốc, râu ria ở nữ giới, da xạm đen, xuất huyết dưới da, phù mặt hoặc toàn thân, xét nghiệm men gan tăng cao, suy thận các mức độ, xương loãng nặng…Thực sự ở giai đoạn đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn & kém hiệu quả, dù Bs có tài giỏi đến đâu.
Những nguy cơ của việc tiêm thuốc vào khớp đó chính là nhiễm khuẩn ổ khớp (mũi tiêm đưa vi khuẩn từ ngoài vào khớp), chảy máu nội khớp, thoái hoá khớp nhanh hơn, loãng xương, tiêm không vào khớp mà vào tổ chức lân cận, tiêm vào mạch máu & thần kinh (dù hiếm gặp), một số thuốc khi tiêm trực tiếp vào khớp bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu ngay nhưng sau vài tháng quay lại, khớp bị tổn thương nặng hơn và bệnh nhân cũng đau hơn.
Bác sĩ đã từng khám cho một bà cụ hơn 70 tuổi ở Hà Tĩnh ra, cả khớp gối của cụ chứa gần 300ml mủ nhiễm khuẩn do cụ đã tiêm rất nhiều vào gối ở phòng khám địa phương. Để nhiễm trùng tạo mủ nội khớp, việc điều trị và tiên lượng sẽ vô cùng khó khăn. Vậy nên chúng ta cần hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, và nếu có chỉ định thì trước khi tiêm cần biết rõ mình bị bệnh gì, tiêm thuốc gì, tác dụng & tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, chúng ta chỉ nên tiêm ở những trung tâm uy tín, thực hiện bởi Bs chuyên khoa sâu và trong môi trường hạn chế nhiễm khuẩn tối đa (phòng tiêm chuyên biệt, sát khuẩn và bọc phủ vị trí tiêm, êkip thực hiện tiêm thuốc cần đeo mũ, đeo khẩu trang và đi găng vô khuẩn…).
Chúng ta cũng cần phân biệt tiêm vào các khớp (vai, gối, háng..) với tiêm vào điểm bám gân. Tiêm vào điểm bám gân thường được áp dụng và cho hiệu quả rất cao cũng như rất ít nguy cơ (vì vị trí tiêm ngay dưới da, xung quanh ít có những cấu trúc phực tạp và quan trọng). Tiêm vào điểm bám gân thường được chỉ định khi chúng ta bị viêm điểm bám, hay gặp đó là viêm điểm bám lồi cầu ngoài xương cánh tay (hội chứng Tennis Elbow), viêm mỏm trâm quay, viêm mỏm trâm trụ, viêm điểm bám gân Achille…Khi được chẩn đoán bị những tổn thương này, anh chị nên cân nhắc giải pháp tiêm tại chỗ, vừa tránh tác dụng phụ toàn thân của thuốc, vừa đạt được nồng độ thuốc tối đa ngay vị trí gân viêm.
Với những chấn thương khớp (gối, cổ chân, cổ tay..) do tai nạn giao thông, tai nạn thể thao như đá bóng, chạy, bóng rổ… ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn, việc bất động là điêu ưu tiên hằng đầu. Hiện nay hầu hết các nhà thuốc, phòng khám, cửa hàng thể dục thể thao đều bán các dụng cụ nẹp gối, khuỷ, cổ tay, cổ chân nên ngay sau tai nạn, chúng ta cần ưu tiên bất động. Trong vòng 24h sau tai nạn, chúng ta cũng có thể dùng đá bọc trong túi vải chườm mát vùng chấn thương giúp giảm đau, chống viêm, chống phù nề. Ngoài ra nếu đau quá chúng ta có thể dùng thêm thuốc giảm đau thông thường và thuốc giãn cơ, chống sưng. Với những chấn thương khớp, việc chúng ta chủ quan không đi khám bài bản-chuyên khoa và bất động kiêng dè ngay từ đầu thường sẽ để lại hậu quả lâu dài về sau như lỏng khớp, mất vững khớp, thoái hoá khớp sớm, viêm đau khớp mạn tĩnh…
Bác sĩ có chứng kiến rất nhiều trường hợp, trong đó hai trường hợp Bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, tất cả đều có bệnh cảnh chung đó là: Tuổi tương đối (trên dưới 40), ít vận động thể thao đều. Rồi đùng một cái, ra đá bóng, đánh bóng, tennis, cầu lông…quyết liệt theo kiểu giao lưu của cơ quan, đơn vị. Rồi đùng một cái, đứt gân A-sin, đứt dây chằng chéo gối, vỡ nát sụn chêm gối, rách gân cơ vai…
Thực sự theo thời gian, nếu chúng ta không tập luyện thể thao đều rồi đột ngột cứ ngỡ mình mới…đôi mươi, chơi thể thao một vài trận kiểu sống còn sẽ thường trả gia bằng một vài ca mổ, và sau đó thì chức năng chân, tay sẽ bị giảm đi nhiều. Vậy nên chúng ta nên tạo thói quen tập thể dục thể thao đều, đều chứ không cần quá sức. Và nếu có tham gia thể thao một vài trận, xin hãy biết lượng sức mình cũng như khởi động thật kỹ trước khi chơi.
Một bệnh cảnh Bs cũng rất hay gặp đó là gãy xương cánh tay do….vật tay. Anh chị lưu ý nhé, rất nhiều thanh niên-trung niên lúc cao hứng thách nhau vật tay, và kết quả thường là “Rắc”: một cánh tay rơi lìa. Chụp xquang lên thường xương cánh tay gãy bung rời ra. Một tai nạn theo kiểu…trơi ơi đất hỡi nhưng lại xảy ra thường xuyên. Một người anh và một người em thân thiết của Bs bị “dính” tai nạn này.
Rất nhiều bệnh nhân đến khám bác sĩ vì đau vai, đau gối. Khi tìm hiểu ra Bs mới biết có nhiều người (nhân viên y tế và người dân) khuyên khi đau cần tích cực vận động, xoay vai liên tục, đi bộ thường xuyên để tránh nguy cơ bị “dính” khớp. Đó là một điều đáng tiếc. Khi khớp gối, khớp vai chúng ta đau chứng tỏ chúng có thể bị chấn thương (rách cơ, tổn thương sụn, đứt dây chằng..) hoặc bị viêm cấp tính, thoái hoá tuổi già, goute… Dù là nguyên nhân gì thì lúc đau cấp, chúng đều cần được nghỉ ngơi. Chúng ta cần hạn chế đi bộ, tránh mang xách nặng, tránh xoay vai quá biên độ..Và quan trọng nhất, chúng ta cần đi khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp thật sớm để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Riêng tại BV Việt Đức, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến cột sống vào đăng ký khám, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật. Điều đó nói lên rằng, với bệnh cột sống có đến tầm 90% các trường hợp chúng ta có thể điều trị bảo tồn không mổ. Nội dung điều trị bảo tồn gồm uống thuốc, nghỉ ngơi, châm cứu, kéo giãn, tập phục hồi chức năng…
Tuy nhiên, với những bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thì có nghĩa rằng, những giải pháp điều trị kia sẽ ít hiệu quả hoặc đã quá chỉ định.
Có những bệnh nhân vào khám bị thoát vị quá lớn, hẹp ống sống quá nặng, trượt đốt sống độ 3, độ 4…với teo chân, yêu chân, đi lại khó khăn nhưng vẫn mong muốn điều trị bảo tồn. Thực sự với những trường hợp như vậy, chỉ định bảo tồn đã không còn, và nếu tiếp tục lựa chọn, cuối cùng chính bệnh nhân là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Mất thời gian, tốn tiền bạc, hại người do thuốc men…
Với những bệnh nhân bị thoái hoá khớp háng, thoái hoá mất vững khớp gối cũng vậy. Khi đã có chỉ định phẫu thuật thay khớp, chúng ta nên ra quyết định. Tuy nhiên điều hết sức lưu ý ngay từ ban đầu đó là việc chúng ta cần tìm đến khám & tư vấn tại những trung tâm y tế lớn & uy tín, được gặp gỡ và tương tác với những “chuyên gia” về lĩnh vực đó. Phẫu thuật cột sống nói riêng và tất cả các loại phẫu thuật nói chúng, không bao giờ có khái niệm 50:50 như trong cộng đồng bàn tán. Chỉ đơn giản, nếu một trung tâm phẫu thuật có tỷ lệ biến chứng lên tầm cỡ 10% thì đã phải đóng cửa để tìm hiểu các nguyên nhân, do phẫu thuật viên, do gây mê, do trang thiết bị, hay vì nguyên nhân gì khác. Đó là điều chắc chắn.
Đến đây, Bs cũng rất mong anh chị “Share” nếu thấy giá trị, vì sức khoẻ chung của cộng đồng, anh chị nhé!
Trân trọng thật nhiều!
Bs Khánh,