Hotline Giải đáp, Tư vấn: 0888 332 882 - Hotline đặt hàng: 0833 15 8338/ 0833 25 8338 - Email: Cotsong.vn@gmail.com

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LÝ XƯƠNG KHỚP TUỔI GIÀ

human-189282_960_720.jpg

Bệnh lý xương khớp có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi và hiện nay rất nhiều người già đang bị những cơn đau mạn tính có nguồn gốc xương khớp hành hạ. Hầu hết trong số đó, các cụ lựa chọn cách tự điều trị hoặc âm thầm chịu đựng cơn đau hằng đêm mà không muốn làm phiền đến con cái hoặc một số cụ có suy nghĩ rằng y học đã “bó tay” với bệnh tình của mình, nên đành chấp nhận. Điều đó thực sự vô cùng đáng tiếc vì thực tế ngày nay, y học đã đạt được rất nhiều những tiến bộ và có đa dạng những giải pháp điều trị với nhóm bệnh lý này. Những vấn đề xương khớp người già hay gặp bao gồm:

Gãy xương người già

Aging, Elderly, Senior, Aged, Person, Mature

Đây là bệnh lý xương khớp người già vô cùng hay gặp. Nguyên nhân chủ yếu do té ngã trên nền cơ thể có hệ thống xương bị loãng. Đây có thể coi là “bước ngoặt” về sức khoẻ làm người già sụp đổ nếu chúng ta không phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời. Những hoàn cảnh tai nạn đơn giản như trượt chân trong nhà tắm, ngồi xe đi qua chỗ đường gập ghềnh-xóc, bế cháu nặng, xoắn vặn cơ thể đột ngột, bê chậu áo quần…cũng có thể làm người già gãy xương.
Những vị trí gãy xương hay gặp bao gồm: Xẹp phù nề thân đốt sống gây đau sụt lưng, gãy cổ xương đùi và vùng liên mấu chuyển xương đùi, gãy đầu dưới xương quay và gãy xương cánh tay.

Xẹp phù nề thân đốt sống

Bệnh nhân có những biểu hiện nổi bật bao gồm đau lưng rất nhiều, đặc biệt lúc thay đổi tư thế, cảm giác sụt lưng, đi lại khó khăn do cột sống là trục cơ thể bị gãy, người già ngồi-đứng-đi lại vô cùng khó khăn và đau đớn. Một số người già bị tổn thương này tuy nhiên không hề có tiền sử tai nạn, vậy nên cần hết sức lưu tâm để tránh bỏ sót. Khi nghi ngờ, bệnh nhân cần chụp X-quang và cộng hưởng từ cột sống thắt lưng kết hợp đo loãng xương để chẩn đoán xác định bệnh.
Với tổn thương này, bơm xi măng sinh học là một giải pháp tuyệt vời, mang lại giá trị vô cùng lớn đối với người già. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, thao tác bơm xi măng diễn ra trong vòng 20 đến 30 phút, bệnh nhận giảm đau tương đối ngay sau khi được bơm xi măng và quan trọng hơn, lưng bệnh nhân sẽ vững chắc trở lại và thường ra viện sau 1 ngày.
Tuy nhiên với tổn thương này cần lưu ý mấy điểm: Phân biệt xẹp thân đốt sống cũ và mới bị (dựa trên phim cộng hưởng từ, xẹp cũ không có chỉ định bơm xi măng), bệnh nhân có bị loãng xương hay không (Không loãng xương bệnh nhân không có chỉ định bơm xi măng), thân đốt sống xẹp quá mức cũng không còn chỉ định bơm mà cần phẫu thuật bắt vít cố định (Cố tình bơm xi măng trong những trường hợp này sẽ phản tác dụng và nhiều nguy cơ), bệnh nhân bị xẹp các đốt sống ngực cần được thực hiện ở những trung tâm y tế lớn và phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm.

Gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển vùng háng (gãy xương hông)

Đây cũng là bệnh lý xương khớp người già rất hay gặp. Tổn thương này nhiều lúc không gây đau đớn quá nhiều, một số chỉ biểu hiện đi lại và nhấc-xoay chân khó khăn dù xương đã gẫy. Tuy nhiên nếu thấy nghi ngờ, cần đưa người thân đến các bác sĩ chuyên khoa xương khớp sớm nhất có thể. Hiện nay y học phát triển, việc thay khớp háng toàn phần, bán phần được thực hiện nhanh và hiệu quả, có nhưng ca diễn ra trong tầm 30 phút, bệnh nhân chỉ cần gây tê tuỷ sống, sau phẫu thuật vài ngày đã có thể tập vận động đi lại.
Trước khi gãy xương hông người già vẫn đi lại được thì nên lựa chọn phẫu thuật nếu tình trạng gây mê cho phép. Vì nếu lựa chọn bất động bằng nẹp hoặc bó bột đồng nghĩa chúng ta chập nhận những nguy cơ biến chứng rất lớn từ việc người già không được vận động đi lại. Chúng bao gồm huyết khối tắc mạch, loãng xương teo cơ, viêm phổi nhiễm trùng, loét vùng tì đè, lơ mơ lú lẫn…Chính những biến chứng này sẽ đe doạ mạng sống người cao tuổi.

Gãy xương vùng cổ tay

Tổn thương hay gặp nhất chính là gãy đầu dưới xương quay, hầu hết chỉ cần nắn-bó bột. Dù sau đó vùng cổ bàn tay của bệnh nhân có thể còn đau nhức, sưng tấy ít nhiều nhưng theo thời gian, mọi việc sẽ ổn hơn.

Loãng xương ở người già

Với phái nữ sau tuổi 55 nên tạo thói quen đo loãng xương kiểm tra định kỳ hằng năm, với những ai có tiền sử phẫu thuật cắt buồng trứng, sử dụng liệu pháp hormone, ít vận động, tai nạn nằm bất động một thời gian dài…thì cần tiến hành kiểm tra loãng xương sớm hơn nữa.
Ở nam giới tỷ lệ loãng xương có giảm hơn so với nữ giới nhưng cũng khuyến cáo mọi người nên đo mật độ xương kiểm tra hằng năm sau tuổi 55. Hiện nay một số bệnh viện, trung tâm vẫn sử dụng máy đo loãng xương qua gót chân, khuỷu tay…Kết quả này không chính xác và tổ chức y tế thế giới không công nhận. Có thể cho người nhà đi đo qua máy DXA, bệnh nhân được nằm trên một máy đo chuyên dụng và khảo sát ít nhất qua hai vị trí là cổ xương đùi và các đốt sống thắt lưng hoặc có thể cho người nhà đo loãng xương toàn thân.

Thoái hoá khớp gối và hoại tử chỏm xương đùi

0bd25462f28302dd5b92.jpg

Với người già là nữ giới, vô cùng hay gặp thoái hoá và viêm khớp gối, với nam giới đó là hoại từ chỏm xương đùi, thoái hoá khớp háng.
Để chẩn đoán chính xác tổn thương chúng ta cần chụp phim X-quang, siêu âm vùng khớp, đo loãng xương, xét nghiệm máu, thậm chí chụp cộng hưởng từ và cắt lớp…Chỉ chẩn đoán xác định được bệnh chúng ta mới lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Sự vội vàng trong điều trị, đắp lá, tiêm chọc…chỉ làm tồi tệ hơn tình trạng khớp người già dù có thể trước mắt, bệnh nhân có thấy dễ chịu hơn một chút.
Với những trường hợp thoái hoá khớp nặng, bệnh nhân đau quá mức, đứng và đi lại hạn chế, điều trị nội khoa bài bản những không cải thiện, người già mất ngủ khổ sở vì bệnh…thì phẫu thuật thay khớp (gối, háng..) là giải pháp cần nghĩ đến. Thực tế hiện nay đây là những phẫu thuật không quá phức tạp, thực hiện thường quy ở nhiều các bệnh viện tuy nhiên anh chị nên ưu tiên lựa chọn phẫu thuật ở những trung tâm chuyên sâu và có đội ngũ gây mê, hồi sức, phục hồi chức năng tốt. Vì sau thay khớp người già, chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tổn thương khớp vai người già

44ad2e1c88fd78a321ec.jpg

Khớp vai có tầm hoạt động lớn nhất trong cơ thể và đảm nhiệm nhiều chức năng. Chính điều đó làm hệ thống gân-cơ-dây chằng và bề mặt các khớp vùng vai dễ bị thoái hoá, chấn thương. Tuy nhiên, trừ những tai nạn làm gãy xương, còn lại hầu hết những tổn thương khớp vai cần được chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán chính xác, mỗi X-quang và siêu âm sẽ rất khó trong việc tìm đúng tổn thương của khớp vai. Nguyên nhân vì khớp vai có kết cấu phức tạp, nhiều thành phần nhỏ và hầu hết được cấu tạo từ “phần mềm”, mà phần mềm lại không “hiện hình” trên X-quang.
Một trong những tổn thương gây đau dữ dội và tương đối cấp ở vùng khớp vai đó chính là tổn thương rách-đứt gân cơ trên gai. Tổn thương này có thể xuất hiện sau bệnh cảnh tai nạn hoặc cũng có thể chỉ sau một động tác sai tư thế mà thôi. Chẩn đoán xác định cần dựa vào phim cộng hưởng từ. Nếu gân này đứt hoàn toàn thường cần phẫu thuật nội soi khâu lại mới mang đến cho bệnh nhân hiệu quả điều trị.
Nhiều trường hợp tổn thương khớp vai nằm trong bệnh cảnh chấn thương tuy nhiên không được chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán xác định nên phác đồ điều trị lại theo hướng chống viêm dính, đông cứng khớp tuổi già. Thay vì nghỉ ngơi bất động bệnh nhân lại được hướng dẫn tăng vận động, vật lý trị liệu, tác động khớp vai. Hậu quả bệnh nhân thấy đau đớn hơn sau mỗi lần điều trị. Chỉ có chẩn đoán chính xác rồi chúng ta mới lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Những bệnh lý cột sống người già

Hẹp ống sống cổ, hẹp ống sống lưng, trượt các thân đốt sống là những tổn thương cột sống hay gặp nhất ở tuổi trung niên và người già.
Khi bệnh nhân có biểu hiện tê bì hai tay hai chân hoặc tứ chi, cảm giác tức nặng hai mông và hai chân, đứng không được lâu, đi không được xa, đứng nấu ăn phải lấy ghế ngồi, chân đi loạng choạng mất vững ở đường mấp mô, đôi bàn tay thao tác lóng ngóng và thiếu tinh tế (gắp thức ăn, cai khuy áo, cầm bút…) cần đưa đi khám chuyên khoa cột sống sớm. Chúng ta không vội vàng đưa người nhà đi điều trị khi chưa được chụp phim và thực hiện các thăm dò chẩn đoán xác định bệnh (X-quang, cộng hưởng từ, đo loãng xương, điện chẩn thần kinh cơ…)

Các khối u xương người già

Người già hầu như ít bị u xương nguyên phát, nghĩa là khi có tổn thương trên xương ở người già, chúng ta luôn cần nghĩ đến ung thư di căn cho đến khi đi tìm ra được nguyên nhân chính xác. Di căn xương ở người già thường gặp nhất từ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Để chẩn đoán xác định những tổn thương trên xương ở người già thường rất vất vả và mất ít nhất vài ngày, thậm chí có những trường hợp không tìm ra được nguyên nhân tổn thương do đâu (tầm 7% các trường hợp).
Những tổn thương xương ở người già chúng ta cũng có thể nghĩ đến bệnh đa u tuỷ xương, bệnh lao xương khớp và những tổn thương xương lành tính trên nên các bệnh hệ thống-chuyển hoá (Lupus, viêm đa khớp dạng thấp, goute, suy thận…). Đây là những tổn thương đòi hỏi bệnh nhân cần được thăm khám và chẩn đoán ở những trung tâm y tế lớn và chuyên sâu.

Bài viết liên quan